Nguồn gốc Xòe_Thái

Trong quá trình di cư của người Thái từ phương Bắc xuống phương Nam, một số bộ phận định cư ở vùng Tây Bắc Việt Nam, họ đã mang theo những câu chuyện thần thoại, truyện cổ tích, những bài dân ca, trang phục truyền thống và những điệu Xòe sơ khai từ thời xa xưa. Qua nhiều thế kỉ, người Thái đã không ngừng phát triển và xây dựng cho bộ tộc mình một nền nghệ thuật xòe dân gian truyền thống.[1]

Ban đầu là các điệu múa tương tự hoặc mô phỏng các hoạt động trong công cuộc lao động săn bắt, hái lượm hay những biện pháp chống chọi với mưa bão, lũ lụt, với mãnh thú để vừa phải tự vệ vừa kiếm sống. Sau đó, người Thái đã sáng tạo ra những nhịp xòe, những động tác nhảy múa kèm theo các dụng cụ lao động và sinh hoạt cá nhân như nón, gậy, khăn, quạt, đàn tính.[1]

Người dân ở Mường Lò (Nghĩa Lộ) và vùng lân cận thường gọi nghệ thuật múa của mình là Xe Cáu Ké (Xòe cổ).[1]

Từ 1945 trở về trước, xã hội bản mường bị phân hóa: bên trên là tầng lớp quý tộc Thái nắm trong tay bộ máy quản lý, thống trị. Vì vậy, trong sinh hoạt cộng đồng cũng có sự phân biệt, dân Xòe với dân, quan Xòe với quan. Ngày đó, các đội Xòe đều do bản thân hoặc các con cháu Phìa (đầu mường) được quan chức chính quyền Pháp cho phép đứng ra tổ chức. Người xoè gọi là Gái Xòe (Xao Xé). Gái Xòe được tuyển chọn rất kỹ lưỡng, phải là những cô gái còn trinh, đẹp người, có khiếu Xòe ở độ tuổi từ 13 đến 17. Người đệm đàn gọi là Báo Khỏa, họ có chức năng đệm đàn cho Gái Xòe (Xao Xé) luyện tập và biểu diễn. Từ năm 1954 đến nay, sinh hoạt Xòe được thực hành tại hầu hết các buổi sinh hoạt cộng đồng bản làng, những ngày lễ tiết trong năm.[1]